Xét nghiệm máu là chỉ định quen thuộc trong hầu hết các quy trình thăm khám. Dựa vào hàm lượng một số chất nhất định trong máu, các bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của người bệnh. Vậy các chỉ số xét nghiệm trong xét nghiệm huyết học có ý nghĩa như nào? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA XÉT NGHIỆM HUYẾT HỌC
-
Đánh giá sức khỏe tổng quát: Một trong những vấn đề quan trọng khi khám sức khỏe là xét nghiệm máu, nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe chung của bạn.
-
Chẩn đoán bệnh: Nếu bạn gặp các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chảy máu, bầm tím,… thì đây là những dấu hiệu của rối loạn máu. Để chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị phù hợp, bạn cần xét nghiệm máu.
-
Theo dõi tình trạng bệnh tật: Nếu bạn đang mắc những bệnh lý về máu thì việc xét nghiệm máu định kỳ rất quan trọng. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh dễ dàng hơn.
-
Đánh giá tác dụng thuốc: Trong quá trình dùng thuốc để điều trị, các tế bào máu hay thành phần máu có thể bị ảnh hưởng. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu nhằm thay thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe.
2. Ý NGHĨA CỦA MỘT SỐ CHỈ SỐ XÉT NGHIỆM HUYẾT HỌC
Dưới đây là một số chỉ số xét nghiệm huyết học thường gặp khi bạn nhận và đọc kết quả
Chỉ số RBC (Red Blood Cell)
Là số lượng hồng cầu có trong một lít máu toàn phần. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: Nam: 4.2-5.4 T/l; Nữ: 4.0-4.9 T/l.
- Số lượng hồng cầu tăng: Gặp trong trường hợp cô đặc máu, đa hồng cầu nguyên phát…
- Số lượng hồng cầu giảm: Gặp trong mất máu, thiếu sắt, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy…
Chỉ số HGB (Hemoglobin)
Hemoglobin (huyết sắc tố) là một loại protein cấu tạo nên hồng cầu, tạo nên màu đỏ cho tế bào hồng cầu và có khả năng vận chuyển oxy máu. Giá trị của HCG ở nam là 13-18 g/dl và ở nữ là 12-16g/dl. Người bị bệnh tim mạch, bỏng, mất nước sẽ có chỉ số HGB cao hơn trong khi người bị mất máu, thiếu máu thì HCG sẽ giảm thấp.
Chỉ số HCT (Hematocrit)
Là thể tích khối hồng cầu chiếm chỗ trong một lít máu toàn phần. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: Nam: 0.40-0.47 l/l; Nữ: 0.37-0.42 l/l.
- Thể tích khối hồng cầu tăng trong trường hợp đặc máu, đa hồng cầu.
- Thể tích khối hồng cầu giảm trong trường hợp thiếu máu.
Chỉ số MCV (Mean corpuscular volume)
MCV là thể tích trung bình của một hồng cầu, được tính bằng công thức: HCT/ số lượng hồng cầu, có giá trị trong khoảng 80 – 100 fL (femtoliter)
Thường tăng trong chứng thiếu máu hồng cầu do thiếu vitamin B12, acid folic. Giảm khi thiếu máu, thiếu sắt trong cơ thể.
Chỉ số WBC (White Blood Cell)
WBC là tên của số lượng bạch cầu có trong một thể tích máu, có giá trị bình thường trong khoảng 4.300 – 10.800 tế bào/mm3.
Các trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng thì lượng WBC sẽ tăng đều và giảm trong trường hợp thiếu máu bất sản hay bị nhiễm siêu vi (HIV, virus viêm gan)
Chỉ số NEUT (Neutrophil)
Chỉ số NEUT cho biết tỷ lệ phần trăm tế bào bạch cầu trung tính trong tổng số các bạch cầu có trong cơ thể. Ở người bình thường, tỷ lệ này thường ở khoảng 60 đến 66%. Chỉ số NEUT sẽ tăng khỏi ngưỡng bình thường nếu người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, nhiễm trùng cấp,… và giảm khi bị nhiễm thiếu máu bất sản, nhiễm độc kim loại nặng.
Chỉ số LYM (Lymphocyte)
LYM là tên gọi tắt của bạch cầu Lympho, là các tế bào có khả năng miễn dịch, gồm Lympho B và Lympho T, thường chiếm 20 – 25% trong máu.
LYM tăng trong các trường hợp nhiễm khuẩn, suy tuyến thượng thận hay bệnh bạch cầu, và giảm nếu bị nhiễm HIV/AIDS, sốt rét, ung thư…
Chỉ số MON (Monocyte)
Bạch cầu mono được gọi là MON, tỷ lệ phần trăm trong máu chiếm 4 – 8%. Là bạch cầu đơn thân qua các giai đoạn phát triển sẽ hóa thành đại thực bào. Có chức năng bảo vệ cơ thể bằng thực bào.
MON tăng khi nhiễm virus, ung thư, u lympho và giảm nếu thiếu máu, dùng corticosteroid.
Chỉ số EOS (Eosinophils)
EOS có giá trị bình thường trong máu từ 0,1 – 7%, là bạch cầu ái toan, có khả năng thực bào yếu. Lượng bạch cầu ái toan tăng lên khi bị các bệnh lý dị ứng hoặc nhiễm ký trùng và giảm đi khi bị nhân dùng corticosteroid.
Chỉ số BASO (Basophils)
Bạch cầu ái kiềm BASO có vai trò quan trọng, ngăn ngừa các phản ứng do dị ứng gây ra, thường chiếm 0,1 – 2,5% trong máu.
Thường tăng sau khi phẫu thuật cắt lách hay bị nhiễm bệnh đa hồng cầu, giảm những lúc bị căng thẳng, tổn thương tủy xương.
Chỉ số PLT (Platelet Count)
PLT là số lượng tiểu cầu có trong một thể tích máu, có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Nếu giá trị PLT quá thấp sẽ gây ra hiện tượng mất máu, nếu giá trị quá cao thì gây ra máu đông, tắc mạch, thậm chí có thể bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Giá trị ổn định của PLT khoảng từ 150.000 – 400.000
Chỉ số MPV (Mean Platelet Volume)
MPV là thể tích trung bình tiểu cầu trong một thể tích máu, có giá trị thường từ 6,5 – 11fL.
MPV thường tăng trong bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và giảm trong thiếu máu nguyên hồng cầu, bạch cầu cấp tính.
Trên đây là ý nghĩa của một số chỉ số xét nghiệm thường gặp khi bạn đi xét nghiệm máu. Các chỉ số xét nghiệm máu khác nhau có ý nghĩa rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Bạn nên thực hiện xét nghiệm máu tại các bệnh viện/phòng khám y tế uy tín để được xét nghiệm an toàn và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.