Bệnh tim mạch là gì? Dấu hiệu và cách điều trị sớm nhất

19/12/22
Tác giả: admin
0 lượt xem

Bệnh tim mạch có thể xảy ra ở bất cứ ai, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp và lối sống. Đồng thời, đây là một trong những bệnh xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng. Vậy bệnh tim mạch là gì? Dấu hiệu và cách điều trị sớm nhất như nào? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.

1. BỆNH TIM MẠCH LÀ GÌ? 

Bệnh tim mạch (tiếng Anh là Cardiovascular Disease – viết tắt là CVD) là tên gọi chung cho các bệnh của tim và mạch máu, bao gồm: bệnh động mạch vành, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch chủ, các bệnh động mạch ngoại biên, suy tim, bệnh thấp tim, bệnh cơ tim, các rối loạn nhịp tim…

Đây là những bệnh lý liên quan đến sức khỏe của trái tim, sự hoạt động của các mạch máu gây suy yếu khả năng làm việc của tim. Bệnh tim mạch gây hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, làm gián đoạn hoặc không cung cấp đủ Oxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động, phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong.

2. NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH TIM MẠCH 

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn chúng ta nghĩ, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá.

Những nguyên nhân của căn bệnh này bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá chính là nguyên nhân gây co thắt các mạch máu, xơ vữa động mạch.
  • Chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol.
  • Ít vận động, hoạt động thể dục thể thao.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.
  • Tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
  • Tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu.
  • Đái tháo đường: Bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
  • Tuổi tác cao tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch.

3. NHỮNG DẤU HIỆU CỦA BỆNH TIM MẠCH 

Khó thở 

Khó thở có thể gặp khi gắng sức, nặng hơn có thể gặp cả khi nghỉ ngơi. Đôi khi, người bệnh không thể nằm xuống mà phải ngồi để thở. Triệu chứng này thể hiện tình trạng suy tim, khi chức năng co bóp của tim không đảm bảo tống máu đi nuôi cơ thể.

Đau ngực 

Đau ngực do bệnh tim là biểu hiện của tình trạng cơ tim bị thiếu máu. Người bệnh có cảm giác bị đè nặng tức ở ngực trái, ở trên rốn… Có thể biểu hiện với cơn đau thắt  ở ngực lan lên cằm, lên vai hay ra sau lưng. Các biểu hiện đau này thường có tính chu kỳ, xảy ra khi người bệnh gắng sức hay bị stress, hết khi nghỉ ngơi. Những cơn đau thắt ngực có thể kéo dài khoảng 5-10 phút và có xu hướng lặp lại.

Mệt mỏi và kiệt sức 

Đôi khi, những hoạt động bình thường, nhẹ nhàng cũng khiến bệnh nhân mắc bệnh tim cũng có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức. Hiện tượng này cũng thường xảy ra khi bệnh nhân mới ngủ dậy. Nguyên nhân được lý giải là do thiếu máu đến tim, não, phổi.

Ho dai dẳng 

Tim không đủ khả năng bơm máu khiến máu bị ứ lại, đồng thời gây ứ dịch ở phổi lâu ngày. Điều này sẽ khiến bệnh nhân bị ho mạn tính, thở khò khè. Đặc biệt tình trạng ho nặng hơn và nhiều hơn khi nằm xuống hoặc khi mới dậy khỏi giường.

Chán ăn và thường xuyên buồn nôn 

Thường xuyên có cảm giác no, chán ăn là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý, thường khiến bệnh nhân nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa hay suy nhược thông thường. Nhưng đây cũng có thể là một triệu chứng của bệnh tim.

Nguyên nhân của tình trạng này do dịch từ máu thẩm thấu qua các mao mạch, ứ lại trong gan và các cơ quan tiêu hóa.

Chóng mặt, ngất xỉu

Tình trạng rối loạn tuần hoàn ở tim có thể gây bất thường nghiêm trọng về nhịp tim. Nhiều trường hợp có thể gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim đột ngột. Cũng bởi vậy mà người bệnh có thể choáng ngất đột ngột.

Lượng máu cung cấp cho não bị gián đoạn do thiếu máu não hoặc cục máu đông đột ngột có thể khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Nhịp tim nhanh, mạch không đều, hay lo lắng

Khi bị suy giảm chức năng bơm máu, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bù lại lượng máu thiếu hụt. Tim sẽ đập nhanh hơn, cũng vì vậy mà người bệnh thường có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực.

Thậm chí, nhiều người luôn cảm thấy lo lắng, đổ mồ hôi nhiều,… Đây là triệu chứng bệnh tim mà nhiều người thường xuyên bỏ qua do chủ quan hoặc nhầm lẫn với những bệnh khác.

3. LÀM GÌ KHI CÓ NHỮNG DẤU HIỆU BỆNH TIM MẠCH? 

Nếu như có những biểu hiện trên, thay vì chủ quan và tự phán đoán, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp bệnh tim đã ở mức độ nặng nhưng vẫn không biểu hiện gì, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai. Vì vậy, những đối tượng này cần đặc biệt chú ý thăm khám định kỳ để kiểm soát tốt sức khỏe tim mạch của mình.

Nếu trong trường hợp khó thở nhiều, đau ngực dữ dội hoặc liên tục hơn 20 phút, vã mồ hôi lạnh thì bạn cần đi cấp cứu ngay để được các bác sĩ có chuyên môn xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống như giảm ăn mặn, chất béo, đường ngọt,…bổ sung rau xanh, trái cây, các thực phẩm bổ máu; tích cực tập luyện; giữ cho tinh thần thoải mái, tránh để áp lực, căng thẳng stress gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch cũng như toàn cơ thể.

Trên đây là những thông tin liên quan đến bệnh tim mạch hi vọng giúp ích cho mọi người khi tìm hiểu thông tin. Nếu như có bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ số Hotline 0815.999.618 để nhận tư vấn trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa nhé!

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa.